Chương trình Montessori độ tuổi 3-6
Chương trình Montessori độ tuổi 3-6
Trẻ trong khoảng từ 0-6 tuổi sở hữu một “trí tuệ thấm hút”. Khả năng bẩm sinh này giúp cho trẻ có thể học tiếng mẹ đẻ, hoàn thiện các kỹ năng vận động và ghi nhớ những trật tự sắp xếp của mọi thứ xung quanh. Bà Maria Montessori còn quan sát được rằng có những giai đoạn nhạy cảm trong quá trình phát triển của trẻ. Đây là giai đoạn trẻ có phản ứng nhạy bén với những kích thích từ môi trường xung quanh, cho phép trẻ tiếp thu được kiến thức và kỹ năng. Những giai đoạn này diễn ra ở mọi đứa trẻ ở cùng một độ tuổi. Có những khoảng thời gian nhất định cho sự phát triển tối ưu của một kỹ năng hay một kiến thức nhất định nào đó.Trẻ trong giai đoạn từ 3-6 tuổi đang trải qua một quá trình tự hình thành bản thân. Sự ứng dụng triết lý Montessori và những học cụ được thiết kế riêng góp phần hỗ trợ khả năng tiếp thu kiến thức của trẻ để chúng duy trì quá trình tự định hình bản thân. Có 4 lĩnh vực chính trong chương trình Montessori dành cho trẻ từ 3-6 tuổi: Thực hành cuộc sống, Phát triển giác quan, Ngôn ngữ, Toán học. Ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như nghệ thuật, âm nhạc, khoa học, địa lý và văn hóa.
Thực hành cuộc sống
Lĩnh vực thực tế cuộc sống trong chương trình Montessori là một sự kết nối giữa môi trường gia đình và môi trường lớp học. Thông qua việc sử dụng đa dạng các loại học cụ dành riêng cho lĩnh vực thực tế cuộc sống, kỹ năng vận động và tiếp thu kiến thức của trẻ sẽ được phát triển, chuẩn bị nền tảng cho trẻ tiếp xúc với những học cụ phức tạp hơn sau này. Các vật dụng trong lĩnh vực này là những đồ vật quen thuộc mà trẻ nhìn thấy hằng ngày như ly, tách, muỗng, nĩa, bình hoa…, hỗ trợ cho trẻ có những động tác chính xác với độ tập trung cao. Trẻ có thể thực hiện công việc tùy theo khả năng của chúng mà không ai được làm gián đoạn quá trình này của trẻ cho đến khi chúng hoàn tất một chu kì công việc với những kết quả đạt được nhất định cùng với cảm giác thỏa mãn và đầy tự tin. Các nội dung chính trong lĩnh vực thực tế cuộc sống bao gồm: khả năng điều khiển vận động, khả năng tự chăm sóc bản thân, chăm sóc môi trường xung quanh, sự uyển chuyển và phép lịch sự.
Lĩnh vực Giác quan
Ngay từ nhỏ trẻ đã phát triển khả năng sắp xếp và hệ thống các sự việc hiện tượng xung quanh chúng theo một trật tự nhất định. Những học cụ trong lĩnh vực này cho trẻ trải nghiệm để nhận biết sự phân biệt giữa những thứ giống và khác nhau. Mỗi bộ học cụ nhấn mạnh một yếu tố khác nhau như màu sắc, hình dạng, kích thước, họa tiết, nhiệt độ, âm lượng, cao độ, khối lượng, mùi vị…Hệ thống từ vựng mô tả như lớn/nhỏ, dài/ngắn, nhám/nhẵn, vòng tròn, hình vuông, hình hộp…sẽ luôn song hành cùng trẻ trong lĩnh vực cảm quan.
Văn hóa - Địa lý - Sinh học - Âm nhạc
Lĩnh vực này bao gồm rất nhiều môn học như Địa lý, Sinh học, Âm nhạc, Nghệ thuật, …Các môn học này mở ra một thế giới rộng lớn với bao điều kỳ thú trước mắt trẻ. Quả địa cầu, các tấm bản đồ châu lục, các dạng địa hình trên Trái đất giúp trẻ hình dung ra nơi chúng đang sống và những nơi khác trên thế giới. Trẻ sẽ hiểu được sự đa dạng về văn hóa giữa các khu vực địa lý khác nhau, từ đó có thái độ trân trọng những khác biệt giữa những dân tộc với nhau.
Môn Khoa học với những bài học thực nghiệm sinh động là cách khơi gợi niềm say mê khám phá các sự vật hiện tượng. Thế giới sinh học sẽ mang đến những bài học về các loài động thực vật phong phú, đa dạng trong thế giới tự nhiên. Âm nhạc và nghệ thuật sẽ là nơi để trẻ tự thể hiện mình, tích lũy thêm nhiều từ vựng mới, phát triển nhận thức, kỹ năng xã hội và cảm xúc
Lĩnh vực Ngôn ngữ
Maria Montessori cho rằng không nên tách rời việc dạy đọc, viết, phát âm trong việc dạy ngôn ngữ cho trẻ. Chương trình Montessori tạo nên một chương trình bài bản để hỗ trợ khả năng ngôn ngữ của trẻ thông qua các hoạt động như bài hát, trò chơi, đọc thơ, truyện, các loại card…
Các bài tập trong lĩnh vực thực tế cuộc sống và lĩnh vực phát triển giác quan đã gián tiếp trang bị cho trẻ những nền tảng cần thiết để tập viết sau khi các khớp ngón tay, bàn tay đã uyển chuyển, cứng cáp. Các kỹ năng vận động được phát triển song hành cùng với khả năng phân biệt các âm tiết khác nhau để hình thành từ ngữ. Trên nền tảng này, giáo viên mới bắt đầu giới thiệu các chữ cái và cách phát âm cho trẻ. Trong chương trình Montessori, trẻ không những nghe và nhìn thấy các chữ cái mà còn cảm nhận được chúng qua các ngón tay tiếp xúc với chữ cái in trên nền giấy nhám. Các chữ cái có thể di chuyển được một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho trẻ tự tạo lập nên từ ngữ mới, cụm từ mới, câu mới hay thậm chí cả một câu chuyện.Sự sáng tạo được khuyến khích và trẻ ngày càng thích thú với những điều mới lạ trong thế giới của ngôn ngữ. Khi trẻ hiểu được những gì chúng viết ra, chẳng mấy chốc chúng sẽ có khả năng đọc. Sau đó trẻ sẽ có khả năng tự đọc hoặc đọc cho người khác nghe.
Lĩnh vực Toán học
Trong thế giới toán học Montessori, trẻ hình dung và nắm bắt các khái niệm lý thuyết trừu tượng thông qua các học cụ hiện hữu với khả năng trực quan tuyệt vời nhất. Thông qua các bài học trong lĩnh vực phát triển giác quan, tư duy logic và trí não của trẻ đã được đánh thức để sẵn sàng cho việc học toán. Trẻ đã thành thạo với những khái niệm về khoảng cách, không gian, tính trật tự…và giờ là lúc giáo viên sẽ giới thiệu cho trẻ về những con số. Hình học, số học được tích hợp trong Montessori một cách rất gần gũi với cuộc sống. Các phép đếm, cộng, trừ, nhân, chia được minh họa bằng các chuỗi hạt. Trẻ học toán theo phương pháp Montessori sẽ nhanh chóng thành thạo với các phép tính mà đôi khi chúng ta sẽ không thể tin là trẻ có thể làm được khi ở độ tuổi này. Với những phép toán có độ khó cao, trẻ vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được với một tâm trạng thoải mái và vui vẻ chứ không hề căng thẳng.
.